Từ tháng 9-2009, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ (PMC) đã đưa vào khai thác 3,2 km đường Vành đai phía Đông (một phần của đường Vành đai 2 – từ chân cầu Phú Mỹ đến đường Đồng Văn Cống, quận 2). Sau đó, đoạn đường này bắt đầu xuống cấp và phải giặm vá nhiều lần.
Làm “đường chờ lún” để tiết kiệm ngân sách
Phân tích nguyên nhân, PMC cho biết đây là đường chờ lún và chỉ đạt cấp A2 theo tiêu chuẩn 22TCN-06 nên không thể “cõng” nổi lượng xe tải nặng. Ông Vũ Văn Điệp, Phó Giám đốc Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2, giải thích việc xây dựng tuyến đường ban đầu chỉ ở mức “chờ lún” là chủ trương phân kỳ đầu tư để tiết kiệm ngân sách, sau khi đường đã lún tạm ổn sẽ nâng cấp lên thành đường cấp A1. Hiện nay lưu lượng xe trên tuyến đạt khoảng 340 xe/ngày đêm/làn xe, đã vượt so với tiêu chuẩn thiết kế nên Sở GTVT kiến nghị UBND TPHCM nâng cấp tuyến đường này. Theo dự tính ban đầu, việc nâng cấp đường Vành đai phía Đông sẽ tốn khoảng 80 tỉ đồng. Đơn vị thi công sẽ dùng các biện pháp hiện đại để ổn định nền đường, bù lún bằng đá dăm sau đó thảm bê tông nhựa nóng.
Riêng đoạn từ Đồng Văn Cống đến cầu Rạch Chiếc 2 của đường Vành đai phía Đông (dài 5,5 km) vẫn đang được PMC thi công, dự kiến đến cuối năm 2012 mới hoàn thành. Cũng như đoạn đường từ cầu Phú Mỹ đến Đồng Văn Cống, phần đường này sẽ được nâng cấp lên thành đường “chất lượng cao” sau một thời gian sử dụng để chờ lún ổn định. Kinh phí mà PMC thực hiện toàn bộ 8,7 km đường Vành đai phía Đông khoảng 771 tỉ đồng theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Hiện nay tuyến đường chỉ rộng 7,5 m mỗi nhánh, theo quy hoạch thì đường này là đường vành đai nên chiều rộng mặt đường lên đến 67 m.
Đường nối cầu Phú Mỹ sẽ được nâng cấp và mở rộng lên 67 m. Ảnh: Tấn Thạnh
Quan trọng nhất là cầu Rạch Chiếc 2
Để giải quyết vấn nạn kẹt xe cho phía Đông và Đông Bắc TP, ngoài đường Vành đai phía Đông, TP cần phải xây dựng thêm cầu Rạch Chiếc 2, đoạn từ cầu Rạch Chiếc 2 – nút giao Bình Thái, đoạn từ nút giao Bình Thái – ngã ba Linh Đông, đoạn từ ngã ba Linh Đông – nút giao thông Gò Dưa (đây là các dự án khép kín đường Vành đai 2). Trong các dự án trên, ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết quan trọng nhất và cần đầu tư ngay là dự án cầu Rạch Chiếc 2 và đoạn từ cầu Rạch Chiếc 2 – nút giao Bình Thái để giải tỏa giao thông cho xa lộ Hà Nội. Tổng vốn của cả hai dự án này ước tính khoảng 5.000 tỉ đồng bao gồm cả giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, với số vốn khá lớn như trên, ngân sách khó lòng kham nổi nên UBND TP đã có chủ trương khai thác quỹ đất dọc tuyến (khoảng 200 m mỗi bên) để thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, phương án phát hành trái phiếu công trình cũng khả thi nhằm tạo thêm nguồn vốn cho xây dựng cơ bản.
Một dự án rất quan trọng nữa cần được gấp rút xây dựng là 4 km đường nối giữa đại lộ Đông Tây và đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây. Phần vốn để giải phóng mặt bằng cho tuyến đường này lên đến gần 2.000 tỉ đồng. Theo ông Cường, đến cuối năm 2013, đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây sẽ được thông xe. Với tình hình hiện tại, e rằng gần 2 năm nữa tuyến đường nối vẫn chưa thể thành hình. Do kẹt vốn và tính cấp bách của dự án nên UBND TPHCM vừa có văn bản “mượn” Bộ Tài chính 1.500 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng. Không hẳn là thiếu tiền, một số dự án lớn khác cũng đang “chết dở” vì người dân không chịu giao mặt bằng như dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài…
Làm chậm, vốn đầu tư tăng
Sáng 1-6, Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TPHCM đã tiến hành khảo sát dự án nâng cấp đường Vành đai phía Đông và các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP. Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Ban Kinh tế – Ngân sách, nhận định ngân sách TP đang khó khăn trong khi nhu cầu đầu tư ngày càng lớn, vì vậy Sở GTVT cần có động thái đốc thúc các quận 9, Thủ Đức, Gò Vấp, Tân Bình, huyện Bình Chánh nhanh chóng bàn giao mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ dự án, tránh kéo dài khiến tổng vốn đầu tư tăng cao.
Theo Ánh Nguyệt
NLĐ